Top 8 Vở cải lương cổ hay nhất mọi thời đại


Xin một lần yêu nhau

                 “Thủy ơi, có lẽ Thượng Đế sanh ta ra và lập cuộc đời ta nhằm một ngôi sao xấu
       Thế cho nên đời ta cứ mãi lao đao khốn khổ, chỉ xin một lần yêu nhau mà không nói được bao giờ”
Được xem như một trong những vở cải lương cổ kinh điển của Việt Nam, “Xin một lần yêu nhau” là những dòng tâm sự buồn của đôi tình nhân Âu Thiên Vũ và Hồ Như Thủy. Lấy đi biết bao nước mắt, sự đồng cảm cũng như sự yêu mến của khán giả, “Xin một lần yêu nhau” đã để lại cho nền cải lương nước nhà một tác phẩm đặc sắc và ý nghĩa vô cùng.

Câu vọng cổ trên của Âu Thiên Vũ chắc có lẽ nhiều người chúng ta đã từng nghe qua và biết đến. Đó như những lời oán than số phận, tiếc nuối cho mối tình trắc trở, éo le vì định kiến xã hội, vì lòng tham của con người đã chia rẽ đôi tình nhân. Nhưng dẫu rằng kiếp này họ không đến được với nhau, thì cũng nguyện chết vì nhau để giữ lòng sắt son, chung thủy.

Soạn Giả: Nguyên Thảo
Nghệ sĩ thể hiện: Lệ Thủy, Minh Phụng, Minh Vương,…

Tiếng hạc trong trăng

                                      “Nắng chiều đã phai nhòa trên ngàn lá
                                       Gió hoàng hôn vừa vội đến chân đồi”
Những lời hát trên được trích ra từ vở cải lương nổi tiếng “Tiếng hạc trong trăng” của soạn giả Loan Thảo, Yên Ba. Đây là vở cải lương kể về cuộc đời bất hạnh của cô gái trẻ Xuyên Lan. Xuyên Lan từ bé đã bị mù cả hai mắt, được cưu mang bởi một thầy lang y chuyên bốc thuốc, chữa bệnh cứu người. Mẹ của Xuyên Lan mất khi cô mới chào đời, còn cha của cô thì rong ruổi chốn giang hồ vì món nợ thâm thù chưa trả dứt. Để rồi sau này Xuyên Lan và cha cô gặp lại nhau trong tình cảnh trớ trêu, đầy éo le.

“Tiếng hạc trong trăng” là những dòng tâm tình cất lên ca ngợi tình phụ tử. Hình ảnh người cha hiến dâng cả đôi mắt của mình để tìm lại ánh sáng cho đứa con gái thân yêu khiến cho người xem không khỏi bàng hoàng, xúc động. Bên cạnh nội dung đầy tính nhân văn ấy, sự diễn xuất cùng với giọng ca quá đỗi ngọt ngào của nữ nghệ sĩ Lệ Thủy và nghệ sĩ Thanh Sang đã đem từng câu, từng chữ của vở cải lương in đậm trong lòng khán giả. Có thể nói, dù cho thời gian có qua đi vội vã và khắc nghiệt đến thế nào thì vở cải lương “Tiếng hạc trong trăng” vẫn mãi còn đó, vẫn mãi là cái tên huyền thoại của những vở cải lương cổ Việt Nam.

Soạn giả: Yên Ba, Loan Thảo
Nghệ sĩ thể hiện: Lệ Thủy, Thanh Sang, Hoài Thanh, Bạch Long,…

Người tình trên chiến trận

          “Phụng ơi nếu con được lớn khôn do hạt lúa dưỡng nuôi của người Mông Cổ
          Thì xác thân và tim móc được tạo ra là do công lao của cha mẹ sinh thành”
Vở cải lương “Người tình trên chiến trận” từ lâu đã trở nên quen thuộc với các khán giả mộ điệu bởi giá trị nhân văn cũng như từng lời ca tiếng hát của những người nghệ sĩ. Không chỉ kể về một câu chuyện tình buồn, trái ngang của hai con người nơi chiến tuyến, mà “Người tình trên chiến trận” còn nói về tình phụ tử, mẫu tử cùng với sự hi sinh tất cả vì con cái của đấng sinh thành.

Bên cạnh đó, vở cải lương cổ “Người tình trên chiến trận” cũng là bước đệm đưa tên tuổi của những nghệ sĩ tài danh đến gần với công chúng hơn như nghệ sĩ Lệ Thủy, nghệ sĩ Minh Phụng, nghệ sĩ Diệp Lang,…Vở cải lương này cũng đã được nhiều nghệ sĩ sau này thể hiện lại rất thành công. Chính vì sức ảnh hưởng cũng như giá trị sâu sắc mà vở cải lương mang lại, “Người tình trên chiến trận” quả là xứng đáng khi được xem như một trong những vở cải lương cổ hay nhất mọi thời đại.

Soạn giả: Mộc Linh, Nguyên Thảo
Nghệ sĩ thể hiện: Lệ Thủy, Minh Phụng, Diệp Lan, Út Bạch Lan,…

Thái hậu Dương Vân Nga

Không những mang nội dung sâu sắc, truyền tải tinh thần yêu nước, bản lĩnh kiên cường của vị Thái hậu nổi tiếng của dân tộc Việt Nam: Thái hậu Dương Vân Nga, mà bên cạnh đó, vở cải lương còn làm nên tên tuổi cho nữ nghệ sĩ tài danh Bạch Tuyết.

Suốt mấy mươi năm qua, những vở cải lương cổ không những đem đến cho người xem những câu chuyện đầy tính nhân văn, mà còn ca ngợi lịch sử, ca ngợi những người có công lao, xây dựng đất nước. Vở diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” gây được tiếng vang lớn và được mọi người yêu thích bởi những giá trị nhân văn sâu sắc mà vở diễn chứa đựng. Bên cạnh đó, vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga còn được thể hiện bởi diễn xuất cực kì có hồn cùng với sự điêu luyện trong giọng hát của “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết cũng góp phần tạo nên thành công cho vở cải lương. Vì lẽ đó, “Thái hậu Dương Vân Nga” xứng đáng được xem là một trong những vở cải lương cổ hay nhất mọi thời đại

Soạn giả: Hoa Phượng, Chi Lăng, Hoàng Việt, Thể Hà Vân (phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường)
Nghệ sĩ thể hiện: NSND Bạch Tuyết,…

Đêm lạnh chùa hoang

“Đây là giấc ngủ thần tiên dìu em về bên kia miền hoa cỏ có trăm dải cô đơn, có giấc ngàn nức nở và có nỗi sầu tư vời vợi nhớ thương về”
Thêm một câu chuyện tình buồn thảm lấy đi nước mắt người xem, “Đêm lạnh chùa hoang” là những trái ngang, trắc trở trong chuyện tình của Bảo Xuyên và Lĩnh Sơn. Đứng giữa nhiệm vụ đất nước và tình yêu sắt son của mình, họ nguyện chết vì nhau, hi sinh cả tính mạng để cầu mong cho người mình yêu được trọn vẹn, an toàn.

Tình yêu đầy xúc động ấy đã khiến cho vở cải lương cổ “Đêm lạnh chùa hoang” trở thành một trong những vở cải lương kinh điển về chuyện tình ngang trái được nhiều khán giả mến mộ. Giữa không gian vắng lặng, cô liêu của ngôi chùa hoang phế, Lĩnh Sơn ôm xác người yêu mình trên tay bước đi trong vô định. Nghĩa vụ đã hoàn thành, nhưng người yêu thì vĩnh viễn không còn có thể bên cạnh…

Soạn giả: Yên Lang
Nghệ sĩ thể hiện: Minh Vương, Minh Cảnh, Lệ Thủy, Phượng Liên,…

Máu nhuộm sân chùa

                      “Bà ơi tôi sẽ ra đi đưa tiễn mùa thu vào giấc mơ buồn bã
      Rồi một chiều nào có vầng trăng nơi quán lã xin dừng lại phút giây để hoài niệm kẻ đăng trình”
“Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, đó là lời Phật dạy, nói về bản chất của con người. Bản thân ai trong mỗi chúng ta sinh ra đều có thiện căn, như một tờ giấy trắng. Dòng đời xô đẩy, lòng người đa đoan đã khiến cho những hận thù cũng từ đó nảy sinh. Để giữ được chữ “Thiện” đó trong tâm, âu cũng do mỗi người chúng ta biết gạt bỏ hận thù, thanh thản mà sống.

“Máu nhuộm sân chùa”
nói về những ân oán, hận thù trong cuộc đời, để từ đó cái kết như hóa giải ra, khuyên con người nên gạt bỏ đi mà sống. Song song đó, vở cải lương còn nói về chuyện tình cảm động giữa Tự Tâm và Thiên Nga, khiến cho bao người xúc động. Trải qua bao nhiêu năm tháng, vở cải lương cổ “Máu nhuộm sân chùa” vẫn còn để lại dấu ấn trong lòng khán giả bởi chiều sâu trong triết lí nhân sinh mà tác phẩm mang lại.

Soạn giả: Yên Lang
Nghệ sĩ thể hiện: Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ,…

Tâm sự loài chim biển

               “Nếu anh ra đi để làm một cánh chim phiêu du giữa bến trời xa lạ
     Thì em còn lại đây như một pho tượng đá đứng giữa hoàng cung trống lạnh u buồn”
Tình yêu đôi khi không phải là sự chiếm hữu, mà còn là sự hi sinh. Hi sinh thầm lặng cả cuộc đời quan tâm, lo lắng, chi mong nhìn người mình yêu hạnh phúc. Cũng như mối tình thủy chung của Áo Vũ Cơ Hàn hay sự si tình của gã cướp biển Thạch Vũ trong vở cải lương “Tâm sự loài chim biển”, đều hi sinh vì người mình yêu, dâng hết trọn tình yêu cho một người duy nhất. Chính vì thế đã tạo nên chiều sâu trong mạch cảm xúc của vở cải lương, gây được sự xúc động, thiện cảm từ khán giả.

Là một trong những vở cải lương trước năm 1975, “Tâm sự loài chim biển” được biết đến như một trong những vở cải lương cổ nổi tiếng và hay nhất. Cho đến tận hôm nay, nhắc đến tên của vở cải lương này, những người mộ điệu đều dành riêng tình cảm đặt trọn vào các vai diễn, cũng như những nhân vật trong “Tâm sự loài chim biển”. Qua đó đã cho thấy được sự ảnh hưởng cũng như thành công của vở cải lương là rất lớn.

Soạn giả: Yên Lang, Nguyên Thảo
Nghệ sĩ thể hiện: Mỹ Châu, Phượng Liên, Minh Phụng, Minh Vương,…

Kiếp nào có yêu nhau

              “Thà rằng ta chết đi để được nàng khóc tiễn đưa về bên kia thế giới
      Còn hơn là ta đứng đây mà nhìn người vợ mới chưa bước đến hôn nhân mà đã bạc trong lòng”
Có lẽ câu vọng cổ ấy của nghệ sĩ Tấn Tài đã làm nao lòng biết bao người thưởng thức bởi những tâm tư, tình cảm sâu lắng qua từng câu, từng chữ. “Kiếp nào có yêu nhau” là một trong những vở cải lương cổ hay nhất từ trước đến nay, nhận được nhiều sự yêu mến từ khán giả, cũng như khẳng định được giá trị nghệ thuật mà tác phẩm mang lại qua từng lời ca, tiếng hát vượt không gian, thời gian của những người nghệ sĩ tài danh.

“Kiếp nào có yêu nhau” là một câu chuyện tình buồn giữa Mộ Dung Thạch và tiểu thư Thiên Kim. Cuộc đời trái ngang chia hai lối rẽ, dẫu rằng yêu nhau, nhớ về nhau những họ mãi không đến được với nhau. Âu cũng đành đổ lỗi cho số mệnh. Song song đó, vở cải lương còn để lại dấu ấn cho người xem bởi mối tình si đầy đau khổ của nàng Quế Minh, dẫu thế nào vẫn một lòng sắt son, chung thủy với một người duy nhất.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, vở cải lương “Kiếp nào có yêu nhau” vẫn luôn nhận được sự yêu thích, mến mộ từ khán giả, cũng như có nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này thể hiện lại. Qua đó cho thấy được giá trị to lớn, nhân văn của vở cải lương cũng như từng giọng ca huyền thoại ngày ấy mãi mãi trường tồn theo thời gian.

Soạn giả: Nguyên Thảo, Hạnh Trung.
Nghệ sĩ thể hiện: Lệ Thủy, Minh Vương, Mỹ Châu,…

Review Nếu Bài Viết Hữu Ích

Related Posts