Top 7 Mẹo mua sắm dịp Tết hiệu quả và đơn giản nhất


Rủ bạn bè, đồng nghiệp, người thân mua chung

Đây cũng là một cách tận dụng giảm giá rất thông minh, mà lại có lợi cho cả người mua lẫn người bán. Nhu cầu về sản phẩm của mọi người trong dịp Tết thường có nhiều điểm chung, vì vậy bạn có thể rủ bạn bè/đồng nghiệp/họ hàng cùng mua để được chiết khấu giá tốt hoặc những ưu đãi đặc biệt mua lẻ không có. 

Về phần các cửa hàng, đại lý chắc chắn cũng sẽ sẵn sàng thương lượng để bán được nhiều hàng hơn. Một số mặt hàng bạn có thể rủ nhau mua chung như: giò, chả, mắm, muối dầu, giấy, bánh chưng, nem chua…

Mua sắm từng đợt

Ngoại trừ những đồ ở cùng một chỗ như thực phẩm trong siêu thị, bạn nên chia nhỏ danh sách mua sắm của mình thành từng đợt. Bạn không nhất định phải mua hết tất cả các món đồ trong danh sách chỉ trong 1-2 ngày. Cách mua sắm này vừa làm bạn “choáng váng” khi nhìn hóa đơn, vừa làm bạn mệt mỏi vì phải đi lại nhiều, về đến nhà cũng phải dọn dẹp và cất đồ nhiều rất mệt. 

Mặt khác, mua sắm từng đợt sẽ giúp bạn có thêm thời gian tìm kiếm những nơi bán đồ chất lượng và có giá cả hợp lý. 

Nếu có thể: hãy tham khảo nhiều nơi trước khi mua

Nếu bạn có thời gian, hoặc có thể ủy thác việc này cho chồng/vợ, con cái nếu có thời gian, hãy dạo qua thị trường một vòng trước khi ra quyết định mua. Tham khảo thông tin, mức giá, nguồn gốc xuất xứ, độ uy tín của cửa hàng, các chương trình khuyến mãi… là những điều bạn nên làm trước khi quyết định bỏ tiền ra mua sắm.

Tránh mua sắm lúc đang vội hoặc đã quá cận Tết, lúc đó có thể bạn sẽ phải mua nhiều thứ không cần thiết với mức giá đắt hơn bình thường.

Mua tại các chợ đầu mối

Có một sự thật hiển nhiên là giá hàng hóa tại các chợ đầu mối thường rẻ hơn các chợ dân sinh và siêu thị từ 20 – 30%. Không chỉ rẻ hơn, thực phẩm còn tươi hơn, mới hơn do không phải trải qua các công đoạn bảo quản và ướp lạnh. Tuy vậy cách này chỉ nên áp dụng nếu bạn có nhiều thời gian rảnh để đi đến tận các chợ đầu mối, hoặc có người quen có thể liên hệ để mua hàng với giá sỉ.

Thông thường tại các chợ đầu mối sẽ không bán lẻ, do vậy nếu muốn mua bạn nên rủ nhiều người cùng mua, lập nhóm mua để được mua đồ ngon, đồ tốt với giá sỉ.

Tranh thủ mua sớm

Quy luật cung – cầu tất yếu của thị trường là khi sức mua tăng lên thì hàng hóa cũng sẽ tăng giá theo, nhất là những ngày cận Tết. Nếu có thể, bạn nên tranh thủ những khoảng thời gian 2-3 tuần trước Tết, mua dần những món đồ đang có giá tốt hoặc đang có chương trình. Bạn cũng sẽ tránh tình trạng đứng xếp hàng dài chờ thanh toán và chen chúc giữa biển người khi đi mua sắm sớm. 

Một số sản phẩm bạn có thể mua sớm như: rượu, thuốc lá, hoa quả sấy khô, mứt, bánh kẹo, nước ngọt, bia… Chú ý xem kĩ hạn sử dụng của các sản phẩm!

Dự trù một khoản chi phí cụ thể

Tùy theo từng gia đình, mức thưởng Tết, thói quen chi tiêu mà khoản chi phí này cũng sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung bạn nên căn cứ vào mức lương, thưởng Tết của từng năm để xác định cụ thể khoản chi phí này. 

Bạn nên dự trù cụ thể từng hạng mục sẽ chi tiêu, ví dụ như: sắm sửa đồ trong gia đình, mua cây cảnh trang trí, ăn uống trong Tết, mua quà biếu người thân, cấp trên, lì xì cho con/cháu, chi phí tàu xe đi lại (nếu phải về quê)… Sau khi lên con số cụ thể cho từng khoản, bạn hãy cố gắng bám theo kế hoạch và không nên tiêu vượt quá con số đã dự trù, trừ trường hợp quá khẩn cấp không thể làm khác được.

Không mang quá nhiều tiền khi đi mua sắm

Đây là sai lầm nhiều người thành phố thường mắc phải: mang theo tiền nhiều hơn so với kế hoạch nhằm tránh bị thiếu nhưng kết quả là tiêu vượt quá số tiền dự trù. Bạn chỉ nên mang vừa đủ với nhu cầu mua sắm của ngày hôm đó, hoặc dư ra một chút. Bởi nếu bạn mang quá nhiều, sẽ sinh ra tâm lý đủ khả năng mua những món đồ không thực sự cần thiết, và mua sắm không theo kế hoạch ban đầu. Kết quả là bạn có thể kết thúc buổi mua sắm với một số món đồ không cần thiết, trong khi đó có những thứ quan trọng thì lại chưa kịp mua vì không còn tiền! Hãy nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch mua sắm đã được tính toán từ đầu nhé.

Review Nếu Bài Viết Hữu Ích

Related Posts